Nghe kém và các giải pháp hỗ trợ thính lực

Hơn 1,5 tỷ người trên thế giới bị suy giảm khả năng nghe và các thiết bị trợ thính, can thiệp phẫu thuật có thể hỗ trợ khi nghe kém.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có hơn 1,5 tỷ người (gần 20% dân số trên thế giới) đang sống chung với tình trạng khiếm thính. 430 triệu người trong số đó bị suy giảm thính lực. Ước tính 2,5 tỷ người trên thế giới (cứ 4 người thì có một người) sẽ bị khiếm thính vào năm 2050. Trong đó, có ít nhất 700 triệu người cần chăm sóc và điều trị y tế.

Tai có cấu tạo phức tạp, được chia làm 3 phần tai ngoài, tai giữa và tai trong. Theo Hiệp hội nghe – ngôn ngữ – lời nói Mỹ (ASHA), suy giảm thính lực là tình trạng mất khả năng nghe một phần hoặc toàn bộ. Nó có thể do các vấn đề với tai (ngoài, giữa và, hoặc tai trong), dây thần kinh ốc tai và, hoặc hệ thống thính giác. Các triệu chứng có thể bao gồm khó hiểu lời nói, yêu cầu người khác lặp lại nhiều lần, bị ù tai, cảm nhận tiếng nói, âm thanh khác đều nhỏ lại…

Theo thông tin đăng tải trên thư viện Y khoa Mỹ, phụ thuộc vùng tổn thương của tai, nghe kém có thể chia thành các loại gồm nghe kém dẫn truyền: tổn thương tai ngoài, tai giữa; nghe kém tiếp nhận: tổn thương tai trong; nghe kém hỗn hợp: tổn thương tai giữa phối hợp tai trong.

Phân loại theo thời gian có thể gồm nghe kém bẩm sinh, nghe kém mắc phải. Nghe kém có thể xuất hiện ở một bên hoặc hai bên tai.

Phân loại theo Hiệp hội nghe – ngôn ngữ – lời nói Mỹ (ASHA-1981) như sau:

Mức độ nghe kémKhoảng mất sức nghe (dB HL)
Bình thường10-15
Rất nhẹ16-25
Nhẹ26-40
Trung bình41-55
Trung bình nặng56-70
Nặng71-90
SâuTừ 91 trở lên

Phân loại nghe kém theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Mức độ nghe kémKhoảng mất sức nghe (dB)
Bình thườngLớn hơn hoặc bằng 25
Nhẹ26-40
Trung bình41-60
Nặng61-80
SâuLớn hơn 80

Các giải pháp hỗ trợ thính giác

Tùy theo tổn thương ở từng vùng của tai, cũng như mức độ nghe kém mà người bệnh có những lựa chọn phù hợp.

Tổn thương ở tai ngoài, tai giữa như các bệnh lý viêm tai ngoài, viêm tai giữa, dị dạng chuỗi xương con…: Người bệnh có thể điều trị bằng thuốc và can thiệp phẫu thuật giải quyết bệnh, khắc phục tổn thương.

Theo nghiên cứu của Đại học Bang Ohio và trường Y khoa Zucker (Mỹ), nếu tổn thương tai trong: Tổn thương cấp tính có thể điều trị nội khoa cấp cứu trong các biểu hiện điếc đột ngột.

Theo các mức độ nghe kém: Nghe kém mức độ trung bình có thể sử dụng các thiết bị trợ thính hỗ trợ. Máy trợ thính các hoạt động theo cơ chế khuếch đại âm thanh nên trong các trường hợp điếc nặng có thể hạn chế.

Trong những trường hợp không đáp ứng máy trợ thính do có vấn đề về khả năng hiểu lời hoặc điếc nặng, điếc sâu cả hai thì có lựa chọn là cấy điện cực ốc tai. Thiết bị cho phép thay thế ốc tai bị tổn thương bằng ốc tai điện tử.

Thiết bị này gồm hai phần: thiết bị cấy bên trong (implant) và bộ xử lý âm thanh đeo tai ngoài. Bộ xử lý âm thanh thu âm thanh từ môi trường, xử lý thành tính hiệu điện tử kích thích thần kinh thính giác thông qua dãy điện cực của ốc tai điện tử.

Theo thông tin của Liên Hợp Quốc, các công nghệ hiện đại như máy trợ thính và cấy ghép điện cực ốc tai, đi kèm với các dịch vụ hỗ trợ thích hợp. liệu pháp phục hồi chức năng có thể mang lại lợi ích cho cả trẻ em và người lớn.

Hiện nay, trên thế giới chỉ định này ngày càng mở rộng về mức độ nghe kém, cũng như lứa tuổi nghe kém. Năm 2020, Cơ quan quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép phẫu thuật cho trẻ 12 tháng tuổi. Người lớn thường không có giới hạn độ tuổi vì nhu cầu về chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao. Trong trường hợp nghe kém, phẫu thuật sớm có khả năng nghe lại được ngôn ngữ lời nói nhanh hơn.

Theo thông tin từ Liên Hợp Quốc, ở trẻ em, gần 60% khiếm thính có thể được ngăn ngừa thông qua các biện pháp như chủng ngừa rubella và viêm màng não, cải thiện chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, tầm soát và xử trí sớm bệnh viêm tai giữa. Ở người lớn, kiểm soát tiếng ồn, tránh dùng các loại thuốc gây độc hại cho tai hoặc thần kinh, vệ sinh tai… có thể duy trì sức nghe tốt và giảm nguy cơ mất thính lực.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *