Hạn chế tiếp xúc với thiết bị gây tiếng ồn lớn, tai nghe, không hút thuốc… giúp hạn chế mất thính giác do tiếp xúc âm thanh ồn.
Tiếng ồn là nguyên nhân phổ biến gây mất thính giác. Tiếng ồn càng lớn càng dễ ảnh hưởng đến khả năng nghe. 6 cách dưới đây giúp bạn phòng chứng mất thính giác liên quan đến tiếng ồn.
Đeo thiết bị bảo vệ thính giác: Nhạc công, quản lý âm thanh sự kiện, chuyên viên âm thanh… đeo nút bịt tai giúp giảm âm thanh và bảo vệ tai.
Lưu ý thời lượng đeo tai nghe: Bạn nên dừng đeo tai nghe mỗi 60 phút để cho tai nghỉ ngơi. Khi phải nghe âm lượng trên 100 decibel, bạn nên dừng sau mỗi 15 phút; chỉ nên nghe âm lượng trên 110 decibel trong tối đa một phút.
Không hút thuốc: Theo báo cáo nghiên cứu từ bệnh viện Langone (Mỹ), nicotin trong thuốc lá là một trong những tác nhân gây mất thính giác. Người hút thuốc và cả người hít khói thuốc thụ động cũng có thể gặp phải vấn đề này. Người cao tuổi có người thân hút thuốc nên cẩn trọng và hạn chế tiếp xúc khói thuốc lá.
Hạn chế tiếp xúc âm thanh lớn: Tránh xa những tiếng ồn lớn là cách cơ bản. Tuy nhiên, nếu do tính chất công việc bắt buộc, bạn nên cố gắng nghỉ ngơi thường xuyên, đeo các thiết bị bảo vệ thính giác (nút bịt tai, bịt tai giảm tiếng ồn, chia sẻ tình trạng thính lực với đồng nghiệp, cấp trên). Âm lượng trên thiết bị nên điều chỉnh ở mức thấp.
Kiểm tra tác dụng phụ của thuốc trước khi dùng: Một số thành phần của thuốc có thể gây giảm thính lực hoặc ù tai như thuốc kháng sinh, thuốc hóa trị, một số loại thuốc không kê đơn (như aspirin và một số loại thuốc chống viêm). Bạn nên cân nhắc đọc kỹ thành phần thuốc hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống.
Kiểm tra thính lực thường xuyên: Thường xuyên kiểm tra thính lực với bác sĩ có thể phát hiện các vấn đề từ sớm. Một số trường hợp bị mất thính lực do bẩm sinh, lão hóa, sử dụng tai nghe không đúng cách hoặc nghề nghiệp đòi hỏi tiếp xúc với tiếng ồn lớn thường xuyên.
Suy giảm thần kinh cảm nhận và suy giảm dẫn truyền tai là hai nhóm bệnh lý phổ biến liên quan đến thính lực. Suy giảm thần kinh cảm nhận xảy ra khi tai trong hoặc dây thần kinh thính giác bị tổn thương và không thể chữa trị. Mất thính lực dẫn truyền thường có thể chữa trị.
Một số dấu hiệu của suy giảm và mất thính giác điển hình gồm không hiểu khi đang trò chuyện qua điện thoại, khó theo dõi các cuộc hội thoại, xem tivi hay nghe radio âm lượng rất lớn, thường xuyên cần người khác nhắc lại, khó nghe vì tiếng ồn xung quanh, khó nghe một số loại giọng nói như giọng the thé…
Người cao niên thường có nguy cơ mất thính lực (lão thính) thường xảy ra hai bên tai cùng lúc và có thể di truyền. Bên cạnh tuổi tác, đột quỵ, dùng thuốc cũng có thể dẫn đến tình trạng này ở người cao tuổi. Bậc cao niên nên thăm khám bác sĩ, chia sẻ với người thân khi nhận thấy bị suy giảm khả năng nghe.